Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

MỘT NGÀY











Tùy bút  - PHONG TÂM


1. Một ngày...

    Cái nhìn đầu tiên là nắng. Nắng mỏng lắm. Thơm lắm. Nắng lấp lánh trong sương đêm còn sót lại, nắng gom hết mùi hương hoa cỏ, trộn đều, thả ra... Khi những vệt nắng dài thủng lọt qua tàn lá rậm, nắng chệch nghiêng, thẳng đứng như muốn dừng lại, lì lịt như "cô ngựa trời xoay xoay cái thớt đầu dẹp bạnh" đuổi không đi.
     Vài cơn mưa mồ côi dọn bước vào mùa, đủ ẩm đất cho ve non lột xác gắn vào những gốc cây; tập trèo, tập bay, tập hát, phát ra tiếng rè, rẹt... chưa thành "người lớn" để phô trương chất "đàn ông", để hãnh diện với cặp kính không gọng, để vang vẻ điệu đàng từ bóng quê, bóng phố, bóng mát đồi rừng.
      Trẻ, đưa mắt chong tới thấy gì cũng chậm. Gió bấc hiu hiu, gió chướng hây hẩy... làm xôn xao, làm nở lòng mơ ước...
      "Con rùa! Đố giắt túi được bao (lì xì). Lụp thụp cõng chiếc lưng nặng nề rướn qua bờ cỏ khô, cổ giãn dài ườn, đầu chưa đụng tới mép nước". Nỗi khát thèm trẻ con dính trên môi ráo hoảnh, đôi mắt cứ trong ngần.
       Thời gian có thể xuôi chiều mong ngóng, có bao giờ ngược lại, lùi gần đâu mà chờ.
       Lần hồi quen với ngọn roi năm tháng, với kim đồng hồ quay tròn không nghỉ ngơi. Loay hoay giữa sóng xoáy cuộc đời. quên mất mình, quên mất hứng háo, chộn rộn, ngóng trông. Chỉ nhớ hừng đông và đỏ đèn. Trưa, chiều trôi tuột vào cái rọ hoàng hôn. Ai đó, hớt hơ rủa thầm. Cũng ai đó, ngạc nhiên nhìn thấy nắng! Có bao người đi, mấy người chạy trên con đường vòng? Điểm cuối cùng là nơi xuất phát!

2. Một ngày...

    Bất chợt. Con chim sâu lao qua ánh chớp, giựt mình! Đứng trước cửa "tri thiên mệnh". Tiếng vạc sành kêu đêm, sau ngọn nến "lục tuần", thảng thốt! Mừng hay buồn đây, khi ngồi chung chiếu "cổ lai hi"!? Nhìn ngang, ngoái lui là chứng tật của thời khắc nầy. Đời người như cuộn phim vô hình, mấy ai kéo ngược được đâu. Mắc gì con đường đi qua cứ nhớ cây cầu khỉ (lóng dừa, khúc tre), lại mau quên cây cầu sơn phết đang sầm sẩm trước mặt.
    Tết Đoan Ngọ! Vậy sao?
Đứng bóng rồi, "nhìn mặt trời để tránh đau mắt, bà con ơi!" Có trời mới biết, ông... thầy nào bày ra kiểu nầy. Nó thành lệ. Ngó nổ đom đóm, nước mắt tèm hem, nhìn đâu cũng thấy tối mò. Đố biết? Chữa hay rước bịnh vào thân đây cà!
    Ốc gạo vào mùa, luộc bung mày, no ưỡn. nhìn người ta ăn mà nuốt lén, cổ họng nghe ừng ực. Mùa ốc gạo y chang, lại chê xảm xì xảm xịt như nhai xơ mướp. Tức mình! "Nói mà nghe sao đoản hậu quá". Vậy mà rõ ràng, vậy mà có thật.
    Trên đời nầy đâu phải món nào cũng ngon, càng không có món tệ. Tùy theo cảm xúc những cảnh tình mà nên sự khen chê. Có thấm tận trái tim mới dễ nhớ. Thử đói meo ba bốn ngày, gặp "cơm nguội, muối đâm" coi có ngon không thì biết, chứ ngày ngày cứ chất đầy bao tử đủ thứ món Tây, Tàu ở nhà hàng, quán nhậu thử hỏi làm sao khỏi chực trào ra khỏi cổ. Về nhà, lại thêm cơm kề miệng chỉ có nước..."ngoẻo củ từ luôn"! Bụng dạ, miệng mồm nào chứa nổi. Mắc cười mà ray rứt vô phương.

3. Một ngày...

    Thời của mươi tuổi đầu. Nhà nghèo tả tơi, rơi hột! Tối ngày "ninh" cái quần xà lỏn, phơi trần tư niên. Má trầm nghịch như "cồng cộc" dưới mương sâu, rạch rậm, cào, đãi "rát mặt hà bá", mót máy lòng tong hủn hỉn, ngày có, ngày không. Ba có nghề có chữ như ai! Nghề, ba không vốn, chữ thời buổi hiếm người coi trọng. Dang lưng làm đủ nghề không cần đặt tên. Tiền lận lưng mặn mùi, nhèo nhẹp. Nhiều bữa cơm, đũa chén nhiều hơn thức ăn. Phận má, đọc chữ như lặn mò ốc biển. Lo chuyện con cái tối mặt mũi, lỗ tai lùng bùng... Hỏi má, ngày tháng sanh ra mình, má ơ...ơ... rồi đáp gọn: "lúc đẻ bây là mùa cá he". Trời đất!
    Cả nhà,trường kỳ với món "bần non xắt mỏng chấm mắm nục". con mắm cỡ ngón tay, cứng đờ xương xỉa, vậy mà ăn rùm rụm ngon thấu thần hồn. Tội nghiệp cho cái nồi đất dính cơm cháy khét , cạy thiếu điều lủng đáy! Có thừa ế như cơm khách của nhà giàu đâu. Nói, nghe như nói dốc, nói cầu vui. Mà cái lưỡi trời sanh thiệt lạ, ngon dở gì cũng tại chỗ đó.
    Già, hay cằn nhằn: "Rớ tới đâu muốn nhợn tới đó". Vợ con nghe riết cũng buồn. Chuyện xưa cứ tôn tạo thêm hình tướng, hoài niệm gần như tâm trạng chung là vậy. "Trời ơi, tôi sẩy mất con cá lớn quá chừng! Thằng con (bỏ rồi) nó sáng sủa, có đâu tối om như bọn nầy. Mẻ kho hồi đó thơm nhức nhối chớ đâu vầy". Câu nói ngỡ vô tình, mà nghe nó đắng nghét từ đầu lưỡi tới tận xương!
    Thèm trái khổ qua hầm, thịt kho rệu. Có rồi, cứ ngồi chống đũa. Tội cho sấp nhỏ! Lại quên phứt cái vụ "Trạng Quỳnh cho vua ăn tương với rau muống luộc, vua khen". Chuyện Gia Long tẩu quốc, "vua cũng nhờ trái bần, con mắm mà sống". Lúc đó chỉ có vua mới hiểu cái gì là sang hèn, sự vật gì là cần thiết để có thể tồn tại.

4. Một ngày...

    Bỗng phát hiện ra rằng: Vừa ngập ngừng vừa hối hả. Tiếng bìm bịp xa xa, tiếng ếch nhái gần gần... dường như rủ rê, dường như rề rà, dường như mời mọc,thúc dục. Chợt ngoảnh lại, bắt gặp cái bóng của mình...dài ra và mờ kệnh! Vậy thì...hà cớ phải khen chê, phải trả bằng với bất cứ giá nào?
    Và bạn ơi, bạn là thời gian của ta. Là bất chợt một ngày!
    Bạn đã đến, thôi đừng đi, ở lại! Miếng khô lóc nướng giần mềm mềm, chén chùm ruột đâm trộn đường nước mắm ớt nầy, ta với bạn."Vô đi", đời sẽ bớt phiền hà! Rượu sẽ sánh và thơ sẽ ngọt! Ta sẽ bỗng thấy ta và ta thấy bạn.
    Không tin ư? Xin cứ thử một lần.
    Bạn đang cười ta hả?
    Ta xin: Đừng! Đừng!

Cái Mơn,10.9.2006
Nguyễn Vân Long