ĐẾN VỚI HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU
NHƯ LÀ MỘT CƠ DUYÊN
(Trích lược đôi dòng trong phần
trả lời câu hỏi của nhà thơ Hồng Băng)
Biết nhau trên thi đàn cũng tròm trèm trên
bốn mươi năm, chừng ấy cũng đã là nhiều, cũng đủ
để hàm hồ khoác vai tâm sự. Thưa anh:
Biết nhau cũng đã lâu rồi
Chốn thăng trầm tỏ đôi lời để sau.
Hồng Băng
- Trong một lần vui miệng, thi sĩ Kiên Giang
đọc mấy câu thơ diễn tả về tôi. Rất tiếc, tôi chỉ còn nhớ mang máng câu thơ
đầu: “Phong Tâm có máu trong thơ”… Có lẽ can cớ
đưa tôi đến với thơ có một phần cảm nghĩ nầy của anh. Bởi sự đam mê ấp ủ
thơ trong tôi có từ rất sớm. Dầu vậy, mãi đến thập niên 50 tôi mới có dịp làm
quen với thơ, với thi đàn. (…)
Sau năm 1975. Không hiểu vì tình cảm, tâm
lý, hoàn cảnh hay chưa kịp thích nghi với thời đại mới lúc nầy, hoặc có nhiều
trăn trở về nhận thức đã ảnh hưởng đến sáng tác mà tôi không thể viết được nữa?
Có một điều tự nhận biết là không tìm
được cảm xúc thật, chưa thấy yên tâm. (…)
Đến khoảng năm 1988-1989, do một cơ duyên
đưa đến, có hai người khách lạ không biết từ thông tin nào đã đến trường trong
giờ dạy học tìm tôi, sau đó mới biết Nguyên Tùng, Hàn Vĩnh Nguyên là hai nhà
văn ở hội Văn học Nghệ Thuật Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre; gợi ý động viên tôi
viết lại và gởi sáng tác tham gia Tạp chí Văn Nghệ Bến Tre (tiền thân của Văn
nghệ Hàm Luông hiện nay). (…)
Với Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre, nơi
giúp tôi thêm động lực trở lại với thơ. Ban biên tập đầy tình cảm ưu ái tạo mọi
điều kiện cho tôi sáng tác và đi bài. Các bạn nhà văn, nhà thơ Hồ Trường, Vũ
Hồng, Kim Ba, Nguyên Tùng, Hàn Vĩnh Nguyên, đến Nguyễn Nhật Nam, Mỹ Lệ…là những
người đồng hành giúp tôi có cảm hứng sáng tác, để tôi có thêm được nhiều người
biết đến và trở nên thân thiết sau nầy. Tôi luôn nhớ nhà văn Vũ Hồng, hoạ sĩ Lê
Dân (nguyên Chủ tịch Hội VHNT-BT), ở Cần Thơ có nhà thơ Lê Chí, chuyên trách
Tạp chí Bông Sen, là trong những người chân tình, giúp cho tôi có thêm niềm tin
hoà nhập với văn học cùng với bạn bè. (…)
Thơ vốn là nghệ thuật đầy màu sắc, đẹp như
tình yêu, có sức hấp dẫn đầy quyến rũ khó giải thích được. Thật ra, tôi làm thơ
chưa bao giờ nghĩ đến sẽ trở thành nhà thơ; cũng như chưa bao giờ dám mang danh
xưng nầy vào người dẫu là kỳ vọng, bởi vì tôi làm thơ chỉ xuất phát từ sự đam
mê, viết để cởi mở tấm lòng, thoả mãn niềm yêu thích, làm thơ cũng là cách để
tu dưỡng tâm hồn, nói lên cái đẹp, cũng có nghĩa là loại dần cái xấu đang tiềm
ẩn tồn tại trong bản thân. (…)
Và bạn ơi, đến với các bạn, tôi đã có và
tích luỹ được nhiều điều mà tôi rất cần trong sự đam mê làm thơ của mình. Cho
tôi gởi chút tâm tình trong bài thơ mới gần đây có tên “Điên thơ” coi như một
chút “tự trào”, chia sẻ cùng bạn cho vui:
Điên Thơ
Tôi làm thơ như gã khùng đi chợ Túi không
tiền, gặp món gì cũng vớ Bánh cam, bánh còng, bánh ú, bánh bao Củ cải, củ từ,
khoai sùng, bí rợ Vắt đầy người, thành con nộm, chẳng sao. Tôi đâu biết mình
khờ…mê lú phét, Nói không nghe, nhìn không thấy vẫn chào! Thiên hạ tưởng bà con
nên hổng ghét, Khóc rồi cười vô thức có chi đâu? Tôi làm thơ để mai kia, mốt nọ
Ở trên đời có mặt kẻ thơ điên Đi mót chữ ngàn năm ai bỏ rớt Lượm đem về kết
tác, đặt tên riêng. Tôi lúc tỉnh, cũng làm thơ ở đợ… Hiến đời nầy, mong kiếp
nữa hoá thân Vẫn linh cảm nhập cả hồn lẫn xác Tay
bút mình – Ngôn ngữ các thi nhân! Tôi khoái điếng…vợ con mình riêng gọi Ông nhà
thơ! Ờ…đâu mất của ai, trời! Tôi đâu có ngồi chung manh chiếu giấy; Để gật gù…xin
ấn dấu son…hôi!?
Cuối cùng, xin thành thật cám ơn cái Duyên
đã đưa tôi đến với Hội và tất cả tình thân coi tôi như là một người bạn chơi
được cho tới giờ nầy và hy vọng còn dài.
Phong
Tâm